Báo động nguồn lực diễn viên nghệ thuật truyền thống (Bài cuối): “Rào cản” nào khiến người trẻ không có cơ hội?
VHO- Sự mất cân đối cơ cấu lao động theo độ tuổi đã đẩy nguồn nhân lực của nhiều đơn vị kịch hát dân tộc rơi vào tình trạng “già hóa”, nhưng… lại không thể tinh giản biên chế. Tình trạng này khiến nhiều đơn vị “lực bất tòng tâm”, ngậm ngùi không tuyển dụng diễn viên trẻ để thanh xuân hóa đội ngũ, bởi họ không có khả năng tự chi trả lương cho nghệ sĩ.
Một cảnh trong vở “Vân dại” của Nhà hát Chèo Việt Nam
Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng vì sao nó vẫn cứ tiếp diễn mà chưa thấy hồi kết?
Thiếu những thủ lĩnh tài năng
Như đã đề cập ở phần đầu loạt bài Báo động nguồn lực diễn viên nghệ thuật truyền thống, một số đơn vị đành phải “quay lưng” với người trẻ vì hết chỉ tiêu biên chế. Vậy tại sao lại có những đơn vị như Nhà hát NTTT Vĩnh Phúc, Nhà hát NTTT Ninh Bình vẫn tiếp nhận được số học viên đã gửi đi đào tạo theo Đề án của Bộ VHTTDL? Hơn thế, như chia sẻ của Trịnh Tuyết Anh (Giải Diễn viên Chèo trẻ nhất Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chèo toàn quốc 2020), thì có một số học viên không được nhận ở Thanh Hoá (nơi đã gửi họ đi học) nhưng lại được các đơn vị nghệ thuật ở Quảng Ninh và Hưng Yên đón chào?!
Tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc 2020, Nhà hát Chèo Ninh Bình có tới 18 thí sinh dự thi. Được biết, số diễn viên trẻ dưới 30 tuổi đang trong biên chế của Chèo Ninh Bình lên tới gần 40 người. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát cho biết, từ năm 2005 đến nay, Ninh Bình đã liên tục mở được 5 khóa đào tạo diễn viên, nhạc công cho loại hình nghệ thuật Chèo, mỗi khóa khoảng 10 người. Phần lớn trong số họ sau khi tốt nghiệp đều được Nhà hát tuyển dụng vào biên chế. Sở dĩ Ninh Bình luôn có chỗ cho người trẻ là vì nhiều nghệ sĩ tới một độ tuổi nhất định, tự thấy không còn biểu diễn được nữa thì sẽ được địa phương tạo điều kiện thuyên chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp với khả năng. Có nguồn nhân lực dồi dào lại được tỉnh quan tâm nên năm nào Chèo Ninh Bình cũng được cấp kinh phí để dựng từ 1 đến 2 chương trình mới.
Qua chia sẻ, một số đơn vị như Trung tâm VHNT Hà Nam, Nhà hát nghệ thuật Vĩnh Phúc cũng có rất nhiều cơ chế mở về tuyển dụng cũng như đào tạo nguồn. Hiện nay, số diễn viên trẻ của Hà Nam chiếm đến gần 70%, đặc biệt, địa phương này đang mở một lớp dạy hát chèo cho các em học sinh cấp 3 đến sinh hoạt, học tập vào các cuối tuần và dịp nghỉ hè. Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Vĩnh Phúc Vũ Duy Dũng cũng cho biết, lực lượng chủ chốt của Nhà hát đều đang ở độ tuổi sung sức nhất cho sáng tạo nghệ thuật, hiện có khoảng 30 hợp đồng lao động ký với các nghệ sĩ trẻ. Nhà hát còn bố trí các phòng ở tập thể cho những diễn viên chưa có nhà; ngoài ra, mỗi tháng tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ thêm mức tiền tương đương 2,00 hệ số lương cho các diễn viên trong Nhà hát…
Để giải quyết được bài toán nguồn lực diễn viên kịch hát dân tộc phải nhìn ở nhiều góc độ, nhưng có lẽ vấn đề cốt yếu nhất đang nằm ở chỗ: Thiếu vắng những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những vị “cầm quân” sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đơn vị. Đáng buồn là hiện nay một số địa phương đã không thật sự quan tâm tới việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống nên không có những chính sách hay cơ chế đặc thù để đãi ngộ, thu hút lực lượng diễn viên trẻ. Rất nhiều đơn vị chỉ trông ngóng vào những cuộc thi hay liên hoan nghệ thuật để “xin” kinh phí, không đi thi đồng nghĩa sẽ không có kinh phí để dàn dựng chương trình mới. Không được dựng vở mới, không thường xuyên đỏ đèn, tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương eo hẹp, nhiều vị lãnh đạo cứ ngồi đó và thụ động chấp nhận lực lượng nghệ sĩ của mình ngày một teo tóp, già nua… vì họ không có đủ bản lĩnh để lo được kinh phí nhận người trẻ về làm theo hình thức xã hội hóa.
Tiết mục tham dự Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc 2020
Bài toán cần có lời giải
Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp giai đoạn 2016-2020 của Bộ VHTTDL cũng đã nêu rất rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của học sinh: “Sau khi được nhà nước đào tạo, các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp, được phân bổ về các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Thí sinh được tuyển chọn ở địa phương nào phải trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật thuộc địa phương đó”.
Mặt khác cũng yêu cầu Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương cần “đề nghị với UBND và các cơ quan chức năng có cơ chế đặc thù để tuyển dụng, tiếp nhận các em trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật do Sở quản lý sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo và tốt nghiệp”. Nắm rõ nội dung thực hiện Đề án, các địa phương và các đơn vị nghệ thuật đã phối hợp triển khai cử người trẻ đi đào tạo, nhưng vì sao khi trở về họ lại không được tiếp nhận? Điều này cho thấy việc quan tâm phát triển nghệ thuật truyền thống giữa các tỉnh, thành phố và Trung ương đang chưa có sự thống nhất dẫn đến chuyện mạnh ai nấy làm. Lãnh đạo của nhiều đơn vị cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn với vai trò cơ quan quản lý nhà nước cần có một cuộc khảo sát về vấn đề nhân lực hiện nay để tìm hiểu những khó khăn, khúc mắc từ địa phương, sau đó tham mưu các cấp có thẩm quyền để đưa ra những giải pháp giúp tháo gỡ cho thực trạng mà các đơn vị nghệ thuật kịch hát dân tộc đã và đang phải đối diện nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là việc người trẻ cứ mỏi mòn chờ chỉ tiêu biên chế.
Liệu sân khấu có giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại bám nghề hay không là bài toán thực sự nan giải. Sau vinh quang trở về, họ lại “vật vã” lao vào cuộc mưu sinh để kiếm sống với đủ thứ nghề, khiến tài năng ngày càng mai một, trong khi ai cũng biết với nghệ thuật sân khấu thì đây là yếu tố quyết định, sống còn. Trong khi chờ những đổi mới về chính sách và cơ chế đãi ngộ, thu hút người trẻ thì bản thân lãnh đạo các đơn vị cũng phải năng động hơn, tìm cách làm sân khấu xã hội hoá, tạo đất diễn cho nghệ sĩ, đặc biệt là giúp cho diễn viên trẻ có cơ hội được làm nghề, yêu nghề, được gắn bó và cống hiến tài năng cho nghệ thuật dân tộc.
Phải xác định kịch hát dân tộc là lĩnh vực cần được hỗ trợ, phát triển “Bảo tồn và phát huy các di sản là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa, trong đó có các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc. Vì vậy, các tỉnh, thành phố cần có chế độ chính sách đặc thù phù hợp để nuôi dưỡng, phát triển văn hóa phi vật thể, chính là người nghệ sĩ. Việc các đơn vị nghệ thuật công lập không được ký hợp đồng lao động chuyên môn là do bị hạn chế bởi chỉ tiêu biên chế và một số quy định trong Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Trước mắt, phải có cơ chế cho phép ký hợp đồng với các diễn viên trẻ có tài để tạo nguồn lực chính cho sự phát triển của các đơn vị nghệ thuật. Hiện nay, có một số địa phương đã chủ động làm rất tốt khi đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, đây chính là những mô hình để những địa phương khác nhìn vào và áp dụng cho phù hợp với thực tế. Đơn cử như TP.HCM đã xây dựng Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030, có xác định mục tiêu nâng cao chất lượng các trường đào tạo VHNT, có kế hoạch đưa các năng khiếu, tài năng VHNT ra đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Việc sáp nhập các loại hình nghệ thuật cần phải có quy hoạch và phù hợp với từng địa phương để tránh mất đi tính chuyên nghiệp và bảo tồn được loại hình nghệ thuật dân tộc tiêu biểu mỗi vùng miền”. (Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG) |
THUÝ HIỀN